Đi tìm làng nghề dệt khăn rằn trăm năm tuổi ở Hồng Ngự


Nhà Dì Tám đã dệt khăn từ bao đời nay, thế hệ này truyền qua thế hệ khác. Mới đây, dì còn được mang khăn lên hội trợ triển lãm ở thành phố Cao Lãnh. Khách nước ngoài xuống đây tham quan, du lịch, dì cũng là người dẫn đi.

Nói gì thì nói, mục đích của chuyến đi này không phải đi chơi mà là làm bài tập. Phải tới được làng nghề dệt khăn rằn ở xã Long Khánh A, Huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cách TP.HCM khoảng 200km.

Đặt tới 3 hãng xe nổi tiếng lẫn vô danh về Hồng Ngự, cứ xe này cancel thì lại đặt xe khác. Khoảng 12h trưa 3 đứa mình, Tâm, Duy đang trên bus ra bến xe miền Tây để đi Mai Linh tới Cao Lãnh thì nhà xe Tài Lợi đã gọi thống thiết rằng họ có xe đi thẳng Hồng Ngự lúc 2h. Đang ở Thuận Kiều Plaza phải đi bộ hộc hơi tới nhà xe. Nhìn cái trạm xe thì cũng có thể hình dung ra cái xe đi hình dạng nó ra sao. Duy bảo: Tao đi về Bảo Lộc mà đã hết 200k rồi, không lẽ cái xe này rẻ đến thế. Đến khi nhìn cái xe trung chuyển thì càng khẳng định hơn cho cái suy đoán lúc đầu. Ngồi trên chiếc xe trung chuyển này chúng tôi có cảm giác như đang đóng Tèo Em version 2.

IMG_2673

Anh lái xe trung chuyển khá trẻ. Nhìn chúng tôi anh hỏi dân ở thành phố hay ở huyện, lúc đầu không hiểu lắm, về sau mới hiểu ý anh hỏi là: ở thành phố Cao Lãnh hay ở huyện Hồng Ngự. Chúng tôi trả lời bọn em ở núi xuống.

–         Tụi em xuống đó đi chơi hay làm gì?

–         Dạ không anh ơi, em đi tìm chỗ dệt khăn rằn á.

–         Khăn gì em?

–         Là khăn như thế này nè anh, ủa anh không biết hả?

–         ủa sao lạ vậy ta? Tui ở dưới mà tui còn không biết.

–         Trời, vậy sao tụi em tìm ra trời?

–         Nè, anh cho số điện thoại của anh trực tổng đài xe Tài Lợi dưới đó, ảnh người bên Long Khánh đó, gọi ảnh chỉ đường cho mà đi.

IMG_2675

Tạm biệt anh lái xe trung chuyển tên Hoàng, chúng tôi lên chuyến xe bão táp khởi hành về Hồng Ngự. Gọi là chuyến xe bão táp vì nhìn cái xe đứa nào cũng liên tưởng tới phim Chuyến xe bão táp của Thái Lan. Xe cũng lèo tèo mấy người, họ lên rồi xuống ngang đường, chỉ có 5 chúng tôi, ngồi lì, hết ngủ rồi ồn ào, hết ồn ào rồi ngồi thừ ngắm cảnh. Chẳng có máy lạnh gì hết ráo, cứ mở cửa sổ cho bao nhiêu gió, bao nhiêu bụi, bao nhiêu mùi thơm lẫn mùi không thơm tràn vào cửa.

Xe vừa đi vừa bắt khách nên không đi cao tốc Trung Lương mà đi quốc lộ 1 ngang qua Long An, Tiền Giang rồi mới rẽ ngã Ba An Thới Trung về Đồng Tháp.

Gần vào thành phố Cao Lãnh trời ập tối, hai bên đường hoa sữa nở bung trắng xóa, chùm nào chùm nấy to tròn hương ngào ngạt tràn vào trong xe. Giống một con đường ở Đồng Xoài cũng một đường hoa như thế này, có một tối cậu bạn đã chở tôi qua bằng xe đạp, cậu nói với tôi về dự định sau này sẽ có ngôi nhà gỗ trên thảo nguyên và trồng một cây hoa sữa trước nhà.

Đất Đồng Tháp rộng thênh thang. Đây là lần thứ 4 tôi xuống, lần nào cũng vội vàng vì công việc. Mấy lần trước toàn ngủ chui trong kí túc xá Đại học Đồng Tháp với bọn bạn. Ngồi trên xe, bọn nó bảo không biết đất Đồng Tháp rộng thế nào mà cái thành phố đi hoài không hết.

Hồi trưa chỉ ăn bún, đến trạm nghỉ thì toàn giá trên trời; ly nước mía 10k, ngọt lè, toàn đường. Bánh mì 20k/1 lổ, chắc ở trỏng nhồi toàn thịt voi. Nên không đứa nào lỡ bỏ tiền mua. Đến giờ, đi qua con đường ăn uống, con Ngố thiếu điều muốn nhảy ngay xuống xe để đến với Hủ tíu Sa Đéc của nó. Đói bụng. Ra hết thành phố, tới huyện Thanh Bình, Tam Nông rồi mới tới Hồng Ngự. Đến khi chỉ còn cách Hồng Ngự 5km, xe đi chậm rồi dừng hẳn. Trước đó, tôi vừa hỏi bác ngồi sau lưng chừng nào mới tới bến. Bác bảo gần tới nơi rồi đó.

IMG_2686

Thế mà, đúng như chuyến xe bão táp, chiếc xe hết xăng, hết dầu, nằm giữa chốn tối thui. 5 đứa bọn tôi là lũ trẻ trâu nhất xe, tiếp tục ngồi chụp hình, check facebook, ngó loanh quanh tìm kiếm đồ ăn.

IMG_2683

Hỏi anh phụ xe, xe anh bị sao vậy, có cần bọn em đẩy phụ không, anh cười cười:

–         Chọc quê hoài, xe hư rồi còn chọc nữa chứ.

Rồi giống anh lái xe trung chuyển, anh ấy lại hỏi tụi em đi đâu, làm gì. Anh ấy bảo sáng mai qua Long Khánh đi xe ôm vô cho tiện, ở bển không có ô tô đâu, xe ôm trả 15k là nó chạy à, đòi hơn thì cứ giả bộ không đi, đi bộ tí là nó đí theo chở à.

Mang tí kinh nghiệm lượm lặt ấy chúng tôi xuống xe. Cánh xe ôm nhiệt tình hỏi thăm đi đâu, ở mô. Quyết định tham khảo giá cả hết tất cả nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn. Cuối cùng thì 4 đứa con gái và thằng ku đẹp trai nhất bầy đã ở phòng khách sạn Hòa Bình giá 180k.

IMG_0814

Nói về đồ ăn thức uống một chút. Nơi này gần ngay chợ Hồng Ngự nên giá cả cũng tương đương Xì Gòn, chẳng rẻ hơn bao nhiêu, thậm chí còn mắc hơn: cơm gà 25k/1 đĩa, bún bò 30k/1 tô. Chỉ có sáng hôm sau đi ăn sáng thì giá rẻ bất ngờ:10k 1 tô hủ tíu, cháo lòng. Chúng tôi ăn sáng ngay gần phà. Nhìn hai tô cháo lòng bưng ra đầu tiên, Bông và Ngố nếm thử rồi phát biểu ngay: “Chúng tôi đang ăn chè lòng”, 3 đứa còn lại đồng loạt vẫy tay với cô bán hàng “Không đường, không bột ngọt nha cô”. Và nhờ thế, bọn chúng sống sót qua bữa sáng.

IMG_2693

IMG_2692

IMG_2689

IMG_2707

IMG_2716

Qua phà, bọn chúng hỏi đường đi Long Khánh A, trong đầu thầm 6 nghĩ cái cù lao này chắc cũng nhỏ, đi bộ thử cho biết, dù sao trời cũng mát mẻ và còn sớm.

IMG_2727

IMG_0831

Thế là cứ đi bộ. Đường ở đây nhỏ nhưng đã đổ bê tông hết rồi. Nhà của người dân ở đây san sát nhau và kiểu nhà cũng giống nhau, nhà gỗ nền cao, sơn màu xanh nhiều, nhỉn rất mát mẻ. 7h sáng, hình như không nhà nào ở đây nấu đồ ăn sáng mà toàn ra ăn ở các cửa hàng đồ ăn sáng san sát nhau. Cũng không thấy chỗ nào bán cơm, chỉ bán bún, hủ tíu.

IMG_2731
Chợ Đuôi – Long Khánh – Đồng Tháp

5 đứa tay xách nách mang ba lô, máy móc, chân máy các thể loại, ăn mặc diêm dúa nên thu hút sự chú ý của tất cả mọi người.

IMG_2719

IMG_2725

Đi tới chợ Đuôi, do không xác định được phương hướng, chúng tôi gọi điện thoại nhờ Dì Tám trợ giúp. Dì này là mợ của anh Mật Em. Anh này là bạn của anh Thông. Anh Thông thì mình quen rồi. Xét ra thì cũng không phức tạp lắm. Mấy cô bác bên đường cũng chú ý đến cả bọn, nên bảo đưa điện thoại đây họ nói chuyện rồi hỏi đường cho. Cuối cùng các cô ấy bảo đi xe ôm đi, một đứa 5k. Tới giờ này thì thằng nào mặt cũng ngu luôn vì đi gần 3km rồi. Lên xe, phóng veo cái tới tận ngõ nhà Dì Tám.

IMG_2733

Nhà Dì Tám đã dệt khăn từ bao đời nay, thế hệ này truyền qua thế hệ khác. Mới đây, dì còn được mang khăn lên hội trợ triển lãm ở thành phố Cao Lãnh. Khách nước ngoài xuống đây tham quan, du lịch, dì cũng là người dẫn đi.

Đây là ấp Long Tả, xã Long Khánh A, huyện Hống Ngự, Đồng Tháp.

IMG_0850

Theo quan sát của bọn chúng tôi, ở đây cũng có đến cả trăm hộ làm khăn rằn. Các công đoạn làm phần lớn bằng máy móc hết. Cuối năm đến làng nghề này, tiếng máy dệt lạch cạch rộn ràng cả xóm.

IMG_0827

Đầu tiên là đảo chỉ. Từ cuộn chỉ nguyên liệu mua ở nhà máy, họ quay thành những cuộn chỉ rời.

IMG_2735
Dệt khăn rằn nam bộ truyền thống ở Long Khánh

Tiếp theo sẽ mang những cuộn chỉ đó đi nhuộm màu xanh đỏ tím vàng tùy thích. Trong ấp chỉ có 2 nhà nhuộm khăn. Sợi chỉ bình thường thi hồ bột xong sẽ cứng hơn do đó khi dệt sẽ dễ dàng hơn Khi chúng tôi đến thì cả hai nhà đều không nhuộm. Hỏi ra mới biết họ nhuộm phải ngâm khoảng 1 ngày, rồi hấp bằng nồi áp suất, sau cùng mới mang ra phơi nắng.

IMG_0833

Để giữ màu sắc và độ cứng, đem chỉ đi hồ bột. Sợi chỉ bình thường thi hồ bột xong sẽ cứng hơn do đó khi dệt sẽ dễ dàng hơn. Sợi chỉ bình thường thi hồ bột xong sẽ cứng hơn do đó khi dệt sẽ dễ dàng hơn. Theo bạn Bông hỏi được thì loại bột cùng để hồ là bột của lúa 504 xay nhuyễn.

Tiếp theo là lên hoa cửi rồi mang ra khung dệt. Lên hoa cửi là sao? Là xếp chỉ thành cuộn với các màu so le nhau.Cuộn sau khi xếp gọi là cuộn hoa cửi.

IMG_0825

IMG_0819

Những người thợ cho biết chỉ khoảng 5 phút là dệt được một chiếc khăn thành phẩm với kích thước 120-40cm. Một người thợ dệt, dệt bằng khung cửi công nghiệp liên tục trong một ngày thì được  khoảng 40 đến 60 chiếc khăn  có khổ dài 120 x60 cm.

Tại đây chiếc khăn này có giá bán chỉ 6000 đồng. Không cần so sánh với khăn bán tại Sài Gòn này, giá trên trời không à. Nhưng lặn xuống tới đây mua khăn thì cũng ít có điên lắm. Ngố mua hai cái. Còn tôi, mặc dù cũng muốn mua vì chúng rất đẹp nhưng gia tài khăn rằn hiện tại nói với tôi rằng: mua về rồi làm gì?

Bạn Bông cũng khai thác thêm trong lúc 4 đứa tôi loay hoay quay tay: Xã Long Khánh A, Huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng tháp chính thức có điện vào năm 2004, thì đến năm 2005 các hộ dân trong làng nghề truyền thống mới bắt đầu đặt mua các khung cửi công nghiệp chạy bằng mô tơ điện, tiết kiệm thời gian, giảm nhân công và tăng được năng suất dệt. Tuy nhiên để dệt được những chiếc khăn rằn, thì dù đã có máy móc thì vai trò của những người thợ dệt cũng hết sức quan trọng, nhất là yếu tố sức khỏe và lòng yêu nghề. Vì ngoài các công đoạn đã được động cơ hóa như: Đảo chỉ, suốt chỉ, dệt ra thì các công đoạn như: nhuộm, qua hồ, phơi và nhất là móc thành các cuộn hoa cửi để dệt thì đều vẫn còn làm thủ công cả.

IMG_2755

IMG_2758

IMG_2750

Đang quay ngon lành cành đào thì có 2 anh công an xã đi xe máy vào hỏi bọn em là đài truyền hình nào, quay cái gì, mục đích gì. Ô mồ, thôi rồi đấy. Công tác an ninh ở đây quá dữ, chỉ cần người lạ xuất hiện là cả làng biết. Nhiều lần ứng phó với bảo vệ các trường đại học quả lả có tác dụng, ai đang quay cứ quay, chỉ cần một đứa tiếp đón các anh thôi. Cười ngọt ngào: “Hì, các anh thông cảm, bọn em sinh viên làm bài tập thôi, mấy thủ tục này bọn em cũng không biết, có gì em sẽ rút kinh nghiệm ạ”. Xong.

Nói thêm về cái làng này, có một con đường hàng cây thơ mộng. Có những vườn hoa cúc chuẩn bị cho Tết. Có những quầy hàng rong xe đẩy có biển số kiểm soát đàng hoàng. Có cả một bãi bồi trồng đủ loại rau màu xanh tốt. Một không gian gợi nhớ Bến quê của Nguyễn Minh Châu- muốn đặt chân lên bãi bồi xanh tốt ấy.

IMG_2730

IMG_0830

IMG_0826IMG_0852

IMG_0851

IMG_0837

Con đường làng xanh mát, không gian yên ắng giữa trưa, có khói bay nhàn nhạt. Cuối năm không nên đi xa nhà, vì sẽ rất chộn rộn cái cảm giác thèm sum vầy, thèm quây quần, thèm khi bước chân xuống xe sẽ chạm ngay cái cảm giác thân thuộc chứ không phải là bỡ ngỡ.

IMG_0853

Nhờ thuận buồm xuôi gió, chúng tôi qua phà, đến nhà xe đặt vé về lúc 1h chiều, Và chuyến về này được đi xe chất lượng cực cao luôn. 7h đặt chân về đến nhà, ịn mông xuống nền nhà thở như trâu, đói như cún.

IMG_0858

Em xin chân thảnh cảm ơn tất cả các anh chị, bạn bè, cô chú đã nhiệt tình giúp đỡ bọn em từ đường đi, địa điểm. Có cả những người em có số điện thoại nhưng còn chưa có cơ hội gọi hỏi gì vì…quên mất. Vì một chuyến đi mà cả facebook có dịp xôn xao, cả Đồng Tháp ồn ào. Làm quá nhưng cũng gần gần như thế. Hê hê.

IMG_0849

Túm quần túm váy lại, chúng tôi đã thực hiện tốt phương châm: an toàn- không ai bị xây xát, mất mát gì, trừ Duy ra, đây là hiển nhiên rồi, 4 nữ, 1 nam- 1 phòng cơ mà. Tiết kiệm: thì đấy, về đến TP, đói cồn cào. Hiệu quả: đã đến được nơi cần đến, làm được điều cần làm. Vui: vui từ đầu đến chân, vui khi viết lại bài này.

IMG_0840

4 năm của đời sinh viên vèo qua như một cái chớp mắt. Lơ ngơ rồi quen rồi thân. Bao nhiêu bài tập vật vã cũng hết.

Lúc này, cảm xúc trào dâng, bịn rịn bồi hồi chỉ muốn nói một câu thôi: mừng quá trời ơi!

Video bài tập tìm hiểu về khăn rằn- Môn sản xuất chương trình chuyên đề khoa giáo

http://www.youtube.com/watch?v=jBaPKDVZsLI&sns=fb

(Huyền Trần)

Một suy nghĩ 9 thoughts on “Đi tìm làng nghề dệt khăn rằn trăm năm tuổi ở Hồng Ngự

  1. Tháp 10

    xin lỗi bạn.
    có thực sự là bạn đy Đồng Tháp ko vậy?
    ở đó có hàng ngàn thứ để bạn lựa chọn.
    sinh viên đ xwe đò giá rẻ còn đòi điều kiện 3* 4*. thử mua cái vé xe giường nằm 125k ngồi coi sướng đít ko?

    Thích

Gửi phản hồi cho tranngochuyen Hủy trả lời