Mùi đu đủ xanh – Cảm nhận và phân tích


Mùi đu đủ xanh là một trong những bộ phim điện ảnh Việt Nam rất đặc sắc, có chiều sâu, một phim tiêu biểu trong phong cách phim Trần Anh Hùng. Tôi chia bài viết này thành 2 phần: cảm nhận đơn thuần và phân tích dưới góc độ học thuật.

Phần 1: Dưới góc độ cảm nhận

18_26_1293786622_45_291210DD07

Tôi xem 2 phim của Trần Anh Hùng: Mùi đu đủ xanh và Mùa hè chiều thẳng đứng. Xem khi chưa để ý tên đạo diễn nhưng nhìn cách quay là biết phim của một người làm.

Để kể lại câu chuyện trong Mùi đu đủ xanh thì chỉ vài câu ngắn gọn: Cuộc đời của cô bé Mùi, năm 10 tuổi và năm 20 tuổi. Tất nhiên nếu cần một bài phân tích phim thì sẽ có cả chục chủ đề gói trong bộ phim này, nhiều lớp ý nghĩa, nhưng tôi chỉ muốn nói đến tình yêu trong phim. Để hiểu, hãy chú ý đến câu chuyện của từng người, dù là một nhân vật nhỏ nhất.

Người nhỏ nhất phim là Tín. Tín nghịch đúng như cái tuổi của mình, thích bắt nạt Mùi, thích gây chuyện để người khác chú ý. Tín được bảo bọc vì là đứa trẻ nhỏ nhất trong nhà, nhưng đây cũng là cậu bé cô độc, không bạn bè, không có những câu chuyện tuổi thơ. Tín chưa đủ lớn để hiểu những câu chuyện của gia đình như người anh kế mình nhưng vẫn có sẵn lòng bao dung và sự thấu hiểu, cảm thông khác hẳn với anh Trung. Trung là nhân vật được nhắc đến từ đầu phim nhưng chỉ là một chấm mờ nhạt. Anh chơi sáo cùng bố, hẹn uống trà với bố, đi ăn với bạn, ngồi cạnh giường bà nội khi bà bệnh, đỡ mẹ anh khi gục ngã, ngồi nói chuyện với vợ về chuyện nuôi đàn két ở sân sau – những diễn xuất của anh chỉ có thế. Trung là kiểu người thờ ơ với những chuyện diễn ra xung quanh.

Xuyên suốt trong Mùi đu đủ xanh là những câu chuyện tình yêu nhỏ bé và nhiều cung bậc. Đó là tình yêu đau đáu của bà nội dành cho ông nội đã mất nhiều năm trước. Người đàn bà luôn ăn cơm trên gác, cả ngày tụng kinh niệm phật và cả phim chỉ thoại đúng một câu “Cháu không đi học à?” với Tín. Đó là tình yêu của ông già hay trò chuyện với Mùi dành cho bà nội. Với ông chỉ cần nhìn thấy bà từ phía sau, biết bà vẫn mạnh khỏe, vậy là ổn rồi. Có những tình yêu, mà cùng với thời gian, nó không nhạt phai nhưng người ta đã biến nó thành một tình cảm khác, không cần phải làm gì cho nhau hay đáp lại mà chỉ đơn giản là mong người khác vẫn yên bình.

Câu chuyện tình yêu của bà chủ của Mùi làm tôi nhớ đến chuyện của bác tôi. Bác tôi không biết bao nhiêu lần lấy tiền bỏ nhà đi chơi bời bên ngoài, nợ nần chồng chất. Mọi người trong nhà còn khuyên bác gái tôi – tức là con dâu của ông bà tôi, là hãy bỏ ông ấy đi cho nhẹ gánh. Nhưng rồi chỉ cần bác tôi trở về, ra vườn cắt vài cành cây lòa xòa, sửa lại cánh cửa nhà, đi qua đi lại trong nhà, bác gái tôi lại bỏ qua tất cả. Bỏ lại hết nước mắt đã khóc nhiều năm. Mẹ tôi bảo đàn bà là vậy, dễ tha thứ và sẵn sàng chịu đựng. Như món nợ đời, nợ gì từ kiếp trước rồi kiếp này phải trả. Bà chủ của Mùi chắc hẳn phải nợ chồng mình nhiều lắm từ kiếp trước.

Mùi của năm 10 tuổi đã là một cô bé với những suy nghĩ sâu sắc và luôn biết cảm thông với người khác. Nghe cái cách cô hỏi chuyện bà giúp việc già trong đêm đầu tiên cô đến làm là đủ biết:

-Vì sao mà cô chết?

-Sao thế?

-Nhưng mấy lần trước ông chủ về bà chủ có nói gì không?

-Không, không nói gì cả chỉ mừng đến phát khóc.

 

L-Odeur-De-La-Papaye-Verte-3898-4ee3041f7b9aa1505c005eda-1323659503

Trong phim, 2 lần Mùi mặc bộ quần áo đẹp nhất đều là vì Khuyến. Một lần khi Mùi 10 tuổi, một lần khi Mùi 20 tuổi. “Những cây anh đào nở ra, thu lại, uốn lượn trên mặt nước. Nhưng điều lí thú nhất là dù thay đổi như thế nào, cây vẫn nguyên vẹn là cây anh đào”.

27c5f99a-31cf-4997-881f-8928bc78c053

Mùi dù khoác lên mình một bộ áo khác, bôi một chút son môi thì cô vẫn là cô của 10 năm trước: tâm hồn luôn rung động với cỏ cây hoa lá, luôn sẵn lòng trắc ẩn, luôn tỉ mỉ và chăm chút từng thứ bé nhỏ, vẫn lặng lẽ với tình yêu dành cho chàng trai từng rung động năm 10 tuổi.

Điều khó chịu nhất và cũng hay nhất trong phim chính là sự lặng lẽ của thời gian được đạo diễn thể hiện qua rất nhiều cách: một giọt nhựa từ từ rớt xuống khỏi thân cây, những cú máy dài đi hết chiều dài ngôi nhà, những hành động lặp lại của Mùi chỉ là dọn nhà và nấu ăn. Khi xem phim tôi tự hỏi rút cuộc Khuyến đã mất bao nhiêu thời gian để suy nghĩ việc mở cửa phòng tìm Mùi. Anh cứ đi qua đi lại, đi lên đi xuống, và máy quay thì cứ vậy di chuyển theo cái suy nghĩ chậm rãi của anh. Còn Mùi, dường như cô đã biết anh sẽ đến, cô bật dậy nhìn anh ngay khi cánh cửa phòng bật mở.

the_scent_of_green_papaya

Trong phim có 1 hình ảnh mà rất nhiều người thích: Khuyến dạy Mùi tập viết. Từ đầu đến cuối phim, người phụ nữ luôn thấp hơn đàn ông một bậc, dù là vợ chồng. Phụ nữ là người làm bếp, người ở, luôn tất bật lo chuyện kinh doanh, gánh vác gia đình còn những người đàn ông trong phim chỉ việc nhàn nhã uống trà, sáng tác văn thơ, viết nhạc, lau chùi đàn, đi dạo. Khoảng cách giữa họ quá lớn để có cái gọi là tình yêu và sự tôn trọng, thấu hiểu. Việc Khuyến dạy Mùi học viết không chỉ là một cử chỉ yêu thương bình thường mà còn mang ý nghĩa sâu xa về một sự bình đẳng và tôn trọng: khi người phụ nữ được hiểu và được yêu, họ trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết. Rất ít người biết cách yêu như Mùi, và cũng không nhiều người tiến bộ trong suy nghĩ và hành động như Khuyến.

156139aedcc03d.img

Mùi đu đủ xanh hẳn sẽ làm bạn thất vọng khi tìm một bộ phim thuần túy về tình yêu hay bi kịch gia đình, nó cũng sẽ làm bạn bỏ qua ngay vì lời thoại rất ít, mạch phim chậm rãi. Nhưng đó là bộ phim chinh phục bạn bởi những cảnh quay mãn nhãn, từng khung hình đều được chăm chút đầy cảm xúc. Diễn xuất của 2 diễn viên chính là Lư Mẫn San (Mùi khi nhỏ) và Trần Nữ Yên Khê (Mùi khi lớn) đều cuốn hút người xem trong từng ánh mắt, từng nụ cười.

Điểm trừ duy nhất của bộ phim với tôi là phần cuối phim khi Mùi học viết, cách phát âm của cô không hợp lí với mạch phim, trong khi từ nhỏ Mùi nói rất trôi chảy và dễ nghe. Bởi nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê là người Pháp gốc Việt nên phát âm tiếng Việt không chuẩn. Ngoài ra, tất cả đều đẹp.

Đoạn này có 1 bạn comment hỏi tôi là “Vì sao bối cảnh là Sài Gòn 1950 nhưng đa số diễn viên lại nói tiếng Bắc?” – điều này được lí giải là bộ phim quay ở Pháp và thu tiếng trực tiếp, những diễn viên Trần Anh Hùng có được đều là người Bắc hoặc người nước ngoài học tiếng Việt nên họ chỉ có thể nói giọng Bắc.

Nếu bạn cần một bộ phim cho những ngày hơi u ám, lê thê, và có thể là mưa nữa, hãy xem Mùi đu đủ xanh.

Tuy bối cảnh là Sài Gòn thập niên 1950, nhưng Mùi đu đủ xanh được quay tại Paris, trường quay Bry – số 2 đại lộ Europe, Bry-sur-Marne, Val-de-Marne. Man San Lu vai Mùi khi nhỏ là người Pháp gốc Á. Nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê, vai Mùi lúc lớn, là một người Pháp gốc Việt, phát âm tiếng Việt không chuẩn. Cô là vợ của Trần Anh Hùng và tiếp tục tham gia diễn xuất trong hai bộ phim sau của đạo diễn này là Xích lôMùa hè chiều thẳng đứng

Phần 2: Dưới góc độ học thuật

Tôi tiếp tục trở lại với Mùi đu đủ xanh sau khi có thêm chút kiến thức về biên kịch.

Mùi đu đủ xanh là phim theo cấu trúc cộng của Châu Âu. Nếu như phim Mỹ thường theo cấu trúc Hero’s journey hay Virgin’s journey với 3 hồi dù có các thủ thuật khác như phi tuyến tính, đa tuyến khiến khán giả bị đánh lừa thì vẫn là theo 3 hồi kinh điển.

Hero’s journey: Hiểu nôm na là hành trình anh hùng đi tìm và giải cứu công chúa. Một ngày bình thường của anh chàng Ethan Hunt, anh ta đang đi leo núi, bù khú với bồ trên bãi biển bỗng cái trực thăng bay qua trao cho anh 1 nhiệm vụ: hãy đi cứu ông A, tìm bà B… và thế là anh ra đi, chiến đấu với súng ống, nguy hiểm rồi hoàn thành nhiệm vụ. Đó là thể thức đơn giản nhất, dễ hiểu nhất của một phim theo cấu trúc Hero’s journey.

Virgin’s journey: gọi tên tiếng việt thân thương là hành trình trinh nữ :))) Những bộ phim dạng này luôn xây dựng 2 thế giới đối lập của nhân vật chính: mới và cũ. Trong đó nhân vật luôn muốn bước vào thế giới mới. Ví dụ đơn giản nhất là phim Danish girl. “Anh chàng” họa sĩ Lili ban đầu được vợ hóa trang thành 1 cô gái để làm mẫu như 1 “thú vui” điên khùng của đôi vợ chồng nghệ sĩ. Nhưng rồi Lili phát hiện anh thích hình ảnh “cô gái” mà anh hóa thân, anh muốn là chính cô ấy.

Tôi sẽ viết 1 bài phân tích sâu hơn về 2 cấu trúc phim này, dĩ nhiên là múa rìu qua mắt thầy tôi thôi, và cũng chỉ là kiến thức phân tích phim. 

Phim Châu Âu không nằm trong 2 cấu trúc phim trên, hay nói đúng hơn, nó PHI CẤU TRÚC :)))

Thầy tôi bảo phim Châu Âu rất buồn ngủ, và quả thật nó sẽ dễ dàng đánh gục bọn tôi nếu không phải vì tôi đang hứng thú viết thêm về Mùi đu đủ xanh. Một ngày nào đó nếu vô tình đọc được bài này thầy tôi chắc sẽ tức lồng lộn vì đứa học sinh mãi không tốt nghiệp hết khóa mà chỉ giỏi phét lác như tôi. Em xin lỗi thầy, xin lỗi bản thân!!!

Xem phim Mỹ cần bắp rang bơ, xem phim Châu Âu cần mã tham chiếu.

|Mr. Nguyễn Quốc Việt|

Điều đầu tiên cần xác định khi xem một bộ phim thuộc thể loại này là phim được chia ra mấy part. Nắm được điều này sẽ dễ dàng xác định được điểm tương đồng và biến dị, từ đó tìm ra luận đề trong phim.

Mùi đu đủ xanh được chia ra 2 phần khá dễ hiểu và rõ ràng: Cuộc sống của Mùi năm 10 tuổi và năm 20 tuổi. Tiếp theo, hãy tìm và liệt kê ra tất cả các chi tiết được lặp lại trong phim ở cả 2 part này, dù tương đồng hay biến dị.

  • Hình ảnh Mùi gọt đu đủ
  • 10 năm trước là người ở, 10 năm sau vẫn là người ở
  • Những người đàn ông trong phim thảnh thơi, chơi bời
  • Những người phụ nữ luôn đầu tắt mặt tối lo toan nhà cửa
  • Đàn ông là người phản bội: người chồng của bà chủ nhà, Khuyến phản bội cô người yêu để đến với Mùi
  • Khi bị phản bội: bà chủ chỉ cam chịu, cô người yêu Khuyến tức giận đập phá
  • Âm nhạc: tiếng đàn Nguyệt, tiếng sáo – tiếng đàn piano
  • Mùi thử mặc áo mới
  • Tiếng dế kêu trong cả 2 part
  • Bà mẹ chồng tụng kinh niệm phật trên gác. Tiếp theo là 10 năm sau bà chủ cũng lên gác tụng kinh
  • Mùi tưới cây khi nhỏ và lúc lớn
  • Bình hoa bị vỡ: 2 lần
  • Rửa tay và rửa mặt
  • Chơi với mấy con kiến, con ếch

Từ những chi tiết này, bắt đầu tìm ra luận đề của phim. Luận đề là tầng lớp nghĩa được ẩn sau các chi tiết, hình ảnh, âm thanh được lặp lại một cách có ý đồ của bộ phim. Luận đề của phim Châu Âu thường gắn với bối cảnh chính trị, xã hội.

Ví dụ như ở bộ phim Mùi đu đủ xanh, luận đề của phim có thể kể đến như:

  • Đâu đó tư tưởng phong kiến vẫn còn tồn tại trong xã hội khi những người đàn ông luôn đổ mọi trách nhiệm quán xuyến công việc cho người phụ nữ trong nhà.
  • Sự du nhập của văn hóa phương Tây trong âm nhạc, trong tư tưởng. Những người đàn ông trong phim đều đi Tây học. Cô bạn gái của Khuyến với tư tưởng của người phụ nữ tiến bộ không cam chịu. Trong khi đó, văn hóa phương Tây vốn bị coi là một sự xâm lăng
  • Mùi xuất thân là một cô bé ở đợ, đến khi lớn vẫn là một cô bé đi ở đợ. Dù được tiếp xúc với chữ viết, được Khuyến yêu thương nhưng ai dám khẳng định cuộc đời của Mùi sẽ không rơi vào bi kịch giống như bà nội, giống như bà chủ nhà trước kia. Tất cả họ đều sẽ già, bị những người đàn ông quay lưng và dành cả phần đời còn lại ở căn gác, tụng kinh niệm phật.

Có lẽ sẽ còn nhiều luận đề khác mà người ta có thể suy ra từ bộ phim này, nhưng tạm thời, với sự thẩm thấu của mình, tôi mới chỉ hiểu được như thế.

Mùi đu đủ xanh còn là bộ phim tuân thủ triệt để quy tắc luật tam duy nhất của Aristote. Những quy tắc của Aristote ban đầu là dành cho kịch học nhưng sau này những bộ phim cũng được làm theo dạng này để ca ngợi sự tối giản. Quy tắc luật tam duy nhất có thể hiểu đơn giản là :

  • Duy nhất về thời gian: trong kịch học thì dù vở kịch dài như thế nào cũng chỉ được diễn ra trong khoảng thời gian 1 ngày (24hours) không hơn. Nghĩa là ta không thể kể lể kê thê về cuộc đời ai đó từ khi sinh ra, lớn lên, lấy chồng, sinh con mà chỉ thể hiện được lát cắt cuộc đời họ trong 24h
  • Duy nhất về không gian: Nếu vở kịch diễn ra trong bếp thì từ đầu đến cuối không được chuyển sang phòng ngủ
  • Duy nhất về hành động: Nếu đánh đấm thì từ đầu đến cuối đều là đánh đấm, nếu là yêu đương thì đầu đến cuối là yêu đương.

Đọc xong quy tắc này bạn thấy… mắc cười không =]]]

Tất nhiên khi các bộ phim ứng dụng nguyên tắc này thì đã ít nhiều thay đổi, ví dụ như thời gian có thể kéo dài hơn thành… 2 ngày ( Phim 2 nights and one day), không gian có thể rộng hơn từ một ngôi nhà thành một hòn đảo (tuy nhiên không thể định danh kiểu 1 hành tinh :))), hành động cũng có thể mang tính bao quát hơn như: trả thù, nhiệm vụ cần hoàn thành…

Bài viết cùng chủ đề phân tích 1 phim Châu Âu khó xơi khác:

>>>The killing of a sacred deer: Giết con nai thần

Trong Mùi đu đủ xanh thì không gian rõ ràng ai cũng có thể nhận ra: chỉ xoay quanh 2 ngôi nhà (vì bộ phim thực hiện ở phim trường 100%), thời gian cũng chỉ có 2 mốc, hành động là chuỗi hoạt động của cô bé Mùi.

Thầy tôi bảo người ta không thích xem phim Châu Âu dạng này vì nhiều khi cảm giác chúng quá đơn điệu, nhàm chán. Nhưng rất nhiều bộ phim Châu Âu được đề cử giải thưởng quan trọng ở LHP Cannes, Oscar bởi vì những luận đề sâu sắc. Vì vậy, nói một cách dễ hiểu, phim Châu Âu theo cấu trúc cộng đa phần là phim để đi dự thi, tranh giải chứ tuyệt nhiên không phải phim để bán vé kiếm doanh thu.

Ví dụ:

Bộ phim The secret Ballot( đạt giải đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Venice) xoay quanh 1 câu chuyện đơn giản: 1 người phụ nữ cùng 1 người đàn ông phải thực hiện nhiệm vụ đi thu phiếu bầu cử của người dân trên 1 hòn đảo xa xôi hẻo lánh trong khoảng thời gian từ 8h sáng đến 5h chiều. Thế nhưng ý nghĩa sâu xa của bộ phim liên quan rất nhiều đến chính trị: những người dân rất ngây ngô trước 1 vấn đề lớn lao là bầu cử, những câu chuyện hài hước để đả kích 1 chuyện nghiêm túc như bầu cử…

Tuy nhiên, không thể phủ nhận có rất nhiều phim theo kiểu phim Châu Âu mà lại cực kì hay như: chùm phim của Vương Gia Vệ (chắc phải viết 1 bài về ông này mới được).

Trong một bài viết nào đó, tôi sẽ phân tích nhiều hơn về dòng phim hack não này, dĩ nhiên khi đã đủ trình một chút, và đàm đạo với thầy tôi nhiều hơn chút nữa.

Một số bài viết cùng chủ đề phim:

>>>Đôi điều về Series Chernobyl HBO

>>>Đèn lồng đỏ treo cao

>>>[Review phim] Before sunrise – Trước lúc bình minh

Một suy nghĩ 19 thoughts on “Mùi đu đủ xanh – Cảm nhận và phân tích

  1. Mình cũng xem Mùa đu đủ xanh không lâu trước đây, cảm giác sau khi xem phim như là có một dòng chảy nhẹ nhàng cứ len lỏi len lỏi trong lòng, không dễ gọi thành tên như bài review của bạn, không buồn cũng không vui, điều duy nhất mình còn lưu lại về phim là những thước phim rất đẹp, rất chỉn chun, cảm giác nếu sống trong khung cảnh ấy thật thì mình cũng ngày ngày đọc sách và làm thơ chờ đến giờ có người cơm bưng nước rót cho luôn được :))

    Thích

  2. mình chỉ có một góp ý nho nhỏ, đó là nhân vật bà nội sống trên gác trong phim không phải chỉ thoại một câu. Đoạn người chồng bỏ đi, bà vs cn dâu ngồi trên gác, bà có trách con dâu, rằng có chồng mà không biết giữ chồng, tôi biết con tôi khổ khi lấy cô. đoạn đó là đứa con thứ 2 nhìn thấy. đoạn ý rất ấn tượng với mình nên không quên được. nhưng tải trên mạng thì có bản không có cảnh ý bản lại có.

    Thích

  3. Sanh H Nguyen

    mot cai la cua bo phim la: Tuy boi canh o Saigon nam 1951 ( mien Nam), tuy nhien da so nhung nhan vat trong bo phim noi going Bac nhu ong ba chu, cac khach hang, ong Thuan, ban gai cua Khuyen…?

    Đã thích bởi 1 người

    1. Theo giải thích của đạo diễn mình đọc được trên báo thì là như thế này “ Hình tượng quả đu đủ xanh nói lên, theo lối ẩn dụ, chủ đề chính là thân phận của người đàn bà Việt Nam, một quan hệ truyền thống giữa đàn bà và đàn ông, quan hệ phục dịch. Một sự phục dịch chấp nhận bằng một sức mạnh tâm linh phi thường mà người ta có thể bắt gặp ở các bà mẹ Việt Nam. Một chế độ không thể chấp nhận, nếu xét một cách duy vật”.

      Thử lý giải mâu thuẫn này, Trần Anh Hùng gợi ra giả thuyết: “ Khi gặp gỡ tình thương, những cử chỉ phục dịch, hầu hạ thay đổi ý nghĩa, nội dung, trở thành những cử chỉ hy sinh, hiến dâng. Tình yêu giải thoát người đàn bà ra khỏi thân phận phục dịch, đồng thời giam giữ họ vào quan hệ phục dịch người đàn ông hơn bao giờ hết. Sự phức tạp, lưỡng tính ( ambiguité) trong tương quan giữa phục dịch và yêu thương chính là vấn đề mà Mùi đu đủ xanh muốn đặt ra”.
      Vậy là lúc đầu Mùi gọt đu đủ như 1 hành động phục dịch nhưng về sau đó lại là một niềm vui, một hành động được tình yêu trao quyền

      Đã thích bởi 1 người

  4. Bài review hay quá, em thật phục cgij, vì không có bài review của chị chắc em cũng .. Không hiểu được nội dung truyện đâu. Vì truyện ít thiaji và mạch phim lạ quá, nhưng khi đọc review rồi xem ohim lại thì thấy hay hơn, bộ phim thơ quá chừng.

    Thích

    1. Cảm ơn em, chị cũng review theo cảm nhận thôi, kiểu như cảm nhận mấy tác phẩm văn học ấy, nhiều khi tác giả không có nghĩ như vậy, mà người đọc phân tích ra thấy nên thơ quá chừng

      Thích

  5. Pingback: Mùi đu đủ xanh – buồn ngủ hay đỉnh cao? | Huyền Trần

  6. Quynh

    Mình có tìm thông tin về nam diễn viên Vương Hoa Hội, đóng vai Khuyến. Không biết ai có thông tin về anh này không, mình search google mãi mà không thấy 😀

    Thích

  7. Pingback: 2019 rồi mà vẫn còn hỏi đang làm gì đấy?

  8. Pingback: MÙI ĐU ĐỦ XANH – nét hương ngào ngạt sắc Việt – susuwwrite

Gửi phản hồi cho Sanh H Nguyen Hủy trả lời